Không nên xét xử lưu động đối với các vụ án dân sự, thương mại, lao động, hành chính. Xử lưu động có từ sau Cách mạng Tháng Tám.
Việc xét xử lưu động thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm: Các tòa có “vượt rào” khi pháp luật hiện hành không quy định? Án dân sự, thương mại, lao động, hành chính có nên xử lưu động? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Đinh Văn Quế, Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao.
Ông Đinh Văn Quế thừa nhận Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính không quy định về việc xét xử lưu động hay phiên tòa lưu động. Lục lại các văn bản về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự trước khi có hai bộ luật này cũng không thấy có quy định chính thức nào. Tuy nhiên, “căn cứ vào các báo cáo tổng kết công tác xét xử của TAND Tối cao hằng năm thì việc tổ chức phiên tòa lưu động, nhất là phiên tòa hình sự, đã là một việc tất nhiên không ai bàn cãi, thậm chí còn là tiêu chí thi đua của ngành tòa án”.
Muốn xử lưu động: Phải luật hóa
. Thưa ông, luật không quy định mà các tòa vẫn xử lưu động, có nghĩa chính các tòa đã “phạm luật”?
+ Nếu pháp lý thuần túy thì tôi không phủ nhận là tòa án đã vi phạm. Nhưng thực tiễn xét xử không phải không có những việc, thậm chí đối với cả những quyết định của tòa án, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định nhưng tòa vẫn làm mà không thấy Quốc hội hay bất cứ cơ quan nào “thổi còi”.
Tôi dẫn chứng: Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định tòa án cấp phúc thẩm có quyền giữ nguyên hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Nhưng hiện nay, các tòa án cấp phúc thẩm vẫn chuyển án treo thành án tù giam với lý do là cần thiết, nếu phải kiến nghị cấp giám đốc thẩm thì vụ án kéo dài, có khi quyết định được tù giam đối với bị cáo thì bị cáo đã cao bay xa chạy rồi.
Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng nhà nước ta thành một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, một cơ quan tư pháp như tòa án, theo tôi, cái gì pháp luật không quy định thì không nên làm. Muốn làm phải đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật.
. Do không có quy định nên ngay cả khái niệm thế nào là một phiên tòa lưu động cũng đang có những ý kiến trái ngược?
+ Đúng là đang có những cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng tòa án xét xử ngoài trụ sở của mình là xử lưu động. Từ đó, những người theo quan điểm này coi các phiên tòa của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao ở trụ sở tòa án cấp tỉnh cũng là xử lưu động. Theo tôi, hiểu như vậy là không đúng với bản chất của phiên tòa lưu động. Dù tòa phúc thẩm không xét xử ở trụ sở của mình nhưng khi về tòa án tỉnh, phiên tòa vẫn được xét xử trong phòng xử án của tòa án tỉnh.
Do đó, chỉ nên coi là phiên tòa lưu động khi phiên tòa đó xét xử ngoài trụ sở tòa án. Các phiên tòa được xét xử trong trụ sở tòa án có phòng xử án thì dù tòa án cấp nào xét xử cũng không được coi là phiên tòa lưu động.
. Theo ông, việc xử lưu động có thực sự cần thiết?
+ Xét xử lưu động do yêu cầu thực tiễn đặt ra, cụ thể là yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ yêu cầu nhiệm vụ chính trị có khác nhau.
Vào thời kỳ cách mạng mới thành công và thời kỳ cải cách ruộng đất, mục đích của việc xét xử lưu động là nhằm răn đe, tố cáo tội ác của bọn phản cách mạng, bọn địa chủ cường hào là chính; mục đích giáo dục, tuyên truyền pháp luật chỉ xếp hàng thứ yếu.
Sau này, trong các báo cáo tổng kết công tác xét xử, TAND Tối cao mới nhấn mạnh đến mục đích của việc xét xử lưu động là nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người dự phiên tòa và nhân dân trong khu vực tổ chức phiên tòa. Đến nay thì không thấy nói đến mục đích răn đe nữa nhưng theo tôi, mục đích này vẫn còn. Chẳng hạn, một tòa cấp huyện tổ chức xử lưu động ở một xã có tệ nạn cờ bạc phổ biến, ngoài mục đích tuyên truyền pháp luật, tuy không nói ra nhưng còn nhằm răn đe những người đang và sẽ có ý định cờ bạc là “hãy dè chừng, nếu đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng sẽ bị trừng trị như các bị cáo trước vành móng ngựa kia”.
Án dân sự: Hỏi ý đương sự
. Ông đánh giá như thế nào về các phiên xử lưu động vừa qua, thưa ông?
+ Để đánh giá một cách toàn diện và đúng đắn thì phải có một hội nghị tổng kết. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy các phiên tòa lưu động vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đặt ra, có tác dụng đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng thẳng thắn nhận xét thì cũng còn không ít những phiên tòa lưu động do chuẩn bị không tốt nên mục đích xét xử lưu động không đạt được, thậm chí còn gây ảnh hưởng không tốt đến ý thức pháp luật của nhân dân tại nơi xét xử. Cá biệt, có phiên tòa phải hoãn vì những người tham dự gây mất trật tự, làm náo loạn ngay nơi tổ chức phiên tòa…
. Ngành tòa án xử lưu động chủ yếu đối với các vụ án hình sự. Vậy đối với các vụ án dân sự, thương mại, lao động, hành chính có nên xét xử lưu động không, thưa ông?
+ Mỗi loại vụ án đều có yêu cầu của việc xét xử riêng, nếu mục đích của việc xét xử lưu động chỉ nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật thì tất cả các loại án đều có thể xét xử lưu động được.
Tuy nhiên theo tôi, việc xét xử lưu động không chỉ nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật mà còn có tác dụng răn đe. Do đó, chỉ nên xét xử lưu động đối với vụ án hình sự, còn không nên xét xử lưu động đối với các vụ án dân sự, thương mại, lao động, hành chính. Vì đối với các vụ án này (trừ một số trường hợp) còn có thủ tục hòa giải (có sự thỏa thuận của các bên đương sự). Nếu thật sự có nhu cầu xét xử lưu động thì nên hỏi ý kiến của các bên đương sự chứ tòa không nên áp đặt vì “việc dân sự cốt ở các bên”.