Tôi là Việt kiều đang định cư tại Pháp. Với việc được cấp giấy miễn thị thực, tôi có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không? (Nguyễn Trần Hà, quận 1)
Luật sư Cổ Hiệp trả lời: Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định như người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học; nhà văn hóa; người có kỹ năng đặc biệt... nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống. (K 2 Đ 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của LNƠ và Điều 121 của LĐĐ)
2. Xây dựng gây ảnh hưởng đến nhà kế bên?
Trong khi thi công xây dựng nhà, hộ kế bên đã gây nứt nhà tôi, làm nhà bị thấm dột. Tôi đã yêu cầu ủy ban phường lập biên bản, yêu cầu chủ hộ khắc phục nhưng họ không thực hiện. Tôi phải làm sao?
(Đỗ Phủ Lý, đường 15 phường 11, quận 6)
Luật sư Trần Đức Thông trả lời: Ngay sau khi biên bản được lập, nếu hai bên không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì UBND cấp xã chủ trì mời chủ đầu tư công trình vi phạm và đại diện bên bị thiệt hại đến để thỏa thuận mức đền bù. Sau bảy ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng, chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, các bên có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Công trình được tiếp tục thi công khi có quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án. (K 5b Đ 4 Thông tư 24 ngày 22-7-2009 của BXD)
3. Yêu cầu thi hành án?
Khi xử ly hôn, tòa án buộc người chồng cũ của tôi cấp dưỡng nuôi con. Do đang tạm trú tại TP.HCM và không có điều kiện để về quê nộp đơn yêu cầu thi hành án, tôi phải làm sao để anh ấy thực hiện việc cấp dưỡng?
(Hoàng Thị Mến, quận 12)
Luật sư Châu Xi trả lời: Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau đây: Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự; gửi đơn qua bưu điện. Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Chị có thể gửi đơn yêu cầu thi hành án qua bưu điện để được cơ quan thi hành cấp huyện xem xét, giải quyết. (Đ 32 LTHADS)
4. Làm đơn kháng cáo?
Người chưa thành niên có được tự mình làm đơn kháng cáo không?
(Hùng, 07238406..)
Luật sư Nguyễn Việt Vương trả lời: Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. (Tiết 1.3 k 1 mục I Nghị quyết 05 ngày 4-8-2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC)