Thực tiễn xét xử cho thấy quy định thời hiệu khởi kiện án kinh doanh thương mại là một năm rất chung chung. Án phí giám đốc thẩm phải cao.
Trong cuộc hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) do TAND Tối cao tổ chức mới đây, nhiều thẩm phán cho rằng thẩm quyền của tòa án các cấp, chứng cứ, thời hiệu… trong án kinh doanh thương mại (KDTM) nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tiễn xét xử.
Các nước hiếm quy định thời hiệu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường và Thạc sĩ Lê Thế Phúc (Viện Khoa học xét xử, TAND Tối cao), phải quy định thời hiệu cụ thể với từng quan hệ tranh chấp. Chẳng hạn, nếu các bên có thỏa thuận mới trước khi tranh chấp KDTM hết thời hiệu thì tòa phải xem tính chất, nội dung của thỏa thuận mới này. Nếu thỏa thuận mới đó là một hợp đồng kinh doanh mới thì tòa thụ lý, giải quyết theo thủ tục tranh chấp KDTM. Còn nếu chỉ đơn thuần là giao dịch dân sự từ hợp đồng ban đầu thì tòa án giải quyết theo thủ tục dân sự…
Chánh án TAND quận 6 (TP.HCM) Trần Mạnh Tung nói nên tùy vụ việc cụ thể mà quy định. Có thể một năm nhưng nếu vụ án phức tạp, cần thu thập nhiều chứng cứ thì nên cho hai năm hoặc hơn thế nữa để khỏi mất quyền lợi của đương sự.
Thẩm phán Nguyễn Công Phú (Tòa Kinh tế TAND TP.HCM) cho rằng thời hiệu một năm như hiện nay là hợp lý, không phải bổ sung gì thêm.
Nhìn ở một góc khác, Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM Phan Gia Quý đề xuất nên bỏ luôn quy định về thời hiệu khởi kiện.
Đồng tình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TAND Tối cao) Ngô Cường cũng nói ở các nước rất hiếm nơi quy định về thời hiệu khởi kiện với án KDTM bởi không ai biết trước một tranh chấp có thể giải quyết trong bao lâu.
Vay nuôi heo gà, giao cấp huyện
Thẩm phán Nguyễn Văn Tiến (Tòa Kinh tế TAND Tối cao) cho biết khoản 1 Điều 29 BLTTDS hiện nay quy định các tranh chấp về đầu tư, tài chính, ngân hàng thuộc thẩm quyền tòa án cấp tỉnh xử sơ thẩm.
“Thực tế các tranh chấp về hợp đồng tín dụng thường có giá trị không lớn và không có nhiều tình tiết phức tạp mà lại giao cho tòa cấp tỉnh là chưa hợp lý. Trong khi nhiều tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa xây dựng rất khó khăn, phức tạp giao TAND cấp quận, huyện xử sơ thẩm. Phải sửa đổi luật theo hướng giao các tranh chấp hợp đồng tín dụng cho TAND cấp huyện xử để giảm tải cho tòa cấp trên” - thẩm phán Tiến đề nghị.
Cùng quan điểm, một thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai nói bao nhiêu vụ đơn giản mà luật cũng quy định đẩy lên tỉnh là không phù hợp. Bởi tranh chấp tín dụng ở nông thôn chủ yếu xoay quanh chuyện vay tiền nuôi heo, nuôi gà… Trong khi án dân sự có nhiều vụ phức tạp hơn nhiều tòa cấp dưới vẫn làm tốt, không lý gì không trao quyền cho tòa cấp huyện giải quyết.
Thẩm phán Nguyễn Công Lực (Tòa Kinh tế TAND tỉnh Bình Dương) đề nghị luật nên quy định theo hướng những tranh chấp KDTM không có yếu tố đăng ký kinh doanh thuộc cấp huyện giải quyết. Còn khi hội tụ cả hai điều kiện là có lợi nhuận và có đăng ký kinh doanh thì thuộc cấp tỉnh.
Tránh chuyện ém chứng cứ
Thẩm phán Nguyễn Công Lực nói luật phải quy định thời hạn cụ thể cho đương sự giao nộp cho tòa chứng cứ, không thể nói chung chung như hiện nay là “có nghĩa vụ nộp cho tòa”. Vì trách nhiệm cung cấp đó thuộc đương sự, tòa chỉ thu thập khi đương sự yêu cầu. Thực tiễn xét xử cho thấy vì chưa nghiêm trong việc này nên nhiều đương sự cố tình ém chứng cứ có lợi ở phiên sơ thẩm. Đến lúc xử phúc thẩm mới tung ra khiến án sơ thẩm bị hủy. Điều này gây ức chế cho tòa sơ thẩm và tạo ra tiền lệ xấu cho đương sự trước tòa.
Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lý Khánh Hồng nói nếu không quy định được thời hạn giao nộp chứng cứ như trên thì luật phải siết lại quy định trong phiên phúc thẩm. Cụ thể nếu đương sự nào cố tình giấu chứng cứ ở tòa sơ thẩm, lên cấp phúc thẩm dù họ có tung ra cũng không nên coi đó là chứng cứ mới mà cứ xử y án. Có như vậy mới mang tính chất bắt buộc đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ đầy đủ.
Một thẩm phán khác cũng đề nghị cần sửa đổi luật theo hướng tòa án có quyền ra quyết định thành lập hội đồng hoặc trưng cầu một hội đồng định giá độc lập, có chuyên môn cao hơn để có kết quả chính xác nhằm làm chứng cứ xét xử.