Mới đây, TAND quận 2 (TP.HCM) đã tuyên bác yêu cầu của ông N. đòi Công ty T. phải bồi thường hơn nửa tỉ đồng cho ông bà khi giải tỏa nhà đất.
Sau đó ông N. đã kháng cáo vì bản án có sai sót, tuyên không rõ. Nguyên trước đó ông N. khởi kiện cho rằng nhà đất trên ông đã mua lại hợp pháp. Khi bị giải tỏa, ông chỉ mới nhận được 60 triệu đồng hỗ trợ chuồng trại và ao cá. Công ty T. phải tiếp tục chuyển tiền bồi thường cho ông.
Phía Công ty T. cho rằng đã bồi thường cho gia tộc ông N. vì phần đất này thuộc gia tộc ông. Nay ông tiếp tục đòi nên công ty không chấp nhận.
Tuyên án, tòa nhận định công ty đã bồi thường cho gia tộc ông N. là đúng pháp luật. Những người trong gia tộc tự giải quyết với nhau. Không có căn cứ cho rằng nhà đất trên là của riêng ông N. Do vậy, tòa tuyên bác một phần yêu cầu của ông N., không chấp nhận việc ông đòi Công ty T. phải bồi thường nhà đất khi giải tỏa. Ông N. phải đóng án phí gần 40 triệu đồng.
Sau án sơ thẩm, ông N. đã phản ứng và kháng cáo. Theo ông, tòa tuyên bác một phần yêu cầu của ông nhưng không nêu rõ là bác phần nào. Án tuyên như vậy là khó hiểu. Ông nhận xét ông khởi kiện đòi bồi thường nhà đất giải tỏa và bản án đã tuyên bác phần này. Điều đó nghĩa là tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của ông chứ không phải bác một phần. Do vậy, ông yêu cầu cấp phúc thẩm phải làm rõ hơn chứ không thể tuyên lấp lửng.
Mặt khác, từ việc chỉ tuyên bác một phần dẫn đến tòa tuyên về án phí sai. Tòa đã không buộc Công ty T. nộp án phí là không đúng nếu chỉ bác một phần yêu cầu của ông. Chưa kể, ông không yêu cầu gì với Công ty A. (người liên quan) nhưng tòa vẫn nhận định là ông đòi công ty này.
Theo MINH VY - Phapluattp.vn |